Để hoàn thành sớm cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, ngoài việc bố trí, sắp xếp nguồn vốn, nhà đầu tư kiến nghị cần có cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, xác định trách nhiệm các bên liên quan…
Cao tốc từ Lạng Sơn kết nối lên các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng, đó là khát vọng của người dân, của lãnh đạo địa phương nhiều nhiệm kỳ tại một địa phương còn nhiều khó khăn, lưu lượng xe cộ ít, tổng mức đầu tư rất lớn. Ảnh minh họa: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Ngày 1/3, đại diện liên danh nhà đầu tư tham gia dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) cho biết, để thực hiện thành công dự án này ngoài việc bố trí, sắp xếp nguồn vốn cần có cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, xác định trách nhiệm các bên liên quan…
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đã đưa ra 5 đề xuất để thực hiện được dự án. Đó là bố trí và giải ngân nguồn vốn ngân sách nhà nước đúng tiến độ khi các nguồn vốn khác đã được cơ cấu; bảo đảm tiến độ các dự án kết nối cao tốc tạo nguồn lực cho dự án; thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu cho dự án được quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP); thống nhất với nhà đầu tư để phê duyệt tiến độ thực hiện dự án để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, khẳng định sự quyết tâm và xác định trách nhiệm của các bên liên quan; công khai cho nhân dân giám sát, có chế tài thưởng, phạt làm cơ sở thúc đẩy tiến độ dự án.
Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng với vai trò cơ quan nhà nước có thẩm quyền cùng Bộ Giao thông Vận tải và các đơn vị liên quan báo cáo Quốc hội, Chính phủ và thông tin cho nhân dân biết về cách làm mới nhưng qua thực tiễn đã minh chứng thành công. Qua đó, Nhà nước cần nhanh chóng điều chỉnh các quy định để phù hợp với thực tế, ủng hộ cho các cá nhân, tổ chức tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng đất nước.
Cao Bằng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để liên danh nhà đầu tư tham gia đầu tư cao tốc và các dự án bất động sản, khu công nghiệp có liên quan trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Trên thực tế, Tập đoàn Đèo Cả thực hiện thành công dự án này ngoài việc bố trí, sắp xếp nguồn vốn cần có cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, xác định trách nhiệm các bên liên quan… đã thực hiện thành công với những đề xuất như vậy bởi không chỉ việc huy động vốn được thực hiện một cách rõ ràng tại Đồng Đăng - Trà Lĩnh mà quan trọng, họ huy động vốn thành công tại dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo (Một dự án thành phần thuộc đại dự án cao tốc Bắc - Nam được thực hiện dưới hình thức PPP).
Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã thu xếp đầy đủ nguồn vốn sớm nhất và đây cũng chính là một trong những dự án PPP được giải ngân vốn Nhà nước sớm nhất. Sau lễ ký kết hợp đồng tín dụng đến nay, Ngân hàng TPbank đã giải ngân sớm hơn 2 tháng so với quy định hợp đồng. Các đơn vị thông qua hợp tác kinh doanh đã giải ngân hơn 187 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đã giải ngân trước vào dự án 722 tỷ đồng, vượt tiến độ 140% theo quy định của hợp đồng dự án.
Theo thông tin từ Tập đoàn Đèo Cả, vốn ngân sách nhà nước đã thanh toán đợt 1 cho nhà đầu tư tại dự án này đến nay là hơn 24 tỷ đồng.
Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho hay, đường cao tốc từ Lạng Sơn kết nối lên các cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng là khát vọng của người dân, của lãnh đạo địa phương nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, với đặc thù thực hiện dự án tại một địa phương còn nhiều khó khăn, lưu lượng xe ít, tổng mức đầu tư rất lớn thì phương thức BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao) thuần túy không thể nào khả thi. Với khó khăn, thách thức như vậy, nhiều nhà đầu tư đã tìm đến địa phương nhưng rồi lắc đầu bỏ đi.
"Ngày 24/2 vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng cùng 4 doanh nghiệp ở các lĩnh vực có thế mạnh khác nhau ký kết hợp tác đầu tư xây dựng tuyến Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy triển khai xây dựng, hoàn thành dự án. Liên danh nhà đầu tư gồm Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Phú Mỹ, Công ty Thương mại - Đầu tư xây dựng Thành Lợi và Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest cam kết huy động vốn hợp tác đầu tư là 2.685 tỷ đồng và phần còn lại khoảng 2.685 tỷ đồng sẽ đồng hành cùng cơ quan Nhà nước có thẩm quyền huy động từ các ngân hàng cấp tín dụng để thực hiện dự án cao tốc", ông Hoàng Xuân Ánh thông tin.
Một cây cầu có hình ảnh đàn tính trong phương án thiết kế cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Ảnh: A2Z
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để liên danh nhà đầu tư tham gia đầu tư cao tốc và các dự án bất động sản, khu công nghiệp có liên quan trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), nguyên Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, khi thực hiện dự án này đã có rất nhiều sáng kiến từ các nhà đầu tư. Sự quyết tâm của các nhà đầu tư là có cơ sở, cách kết nối rất thông minh, chia nhỏ rủi ro nhưng chia nhiều lợi ích được thụ hưởng trong tương lai cho các doanh nghiệp khai phá, biết kết nối hạ tầng giao thông với các dư địa phát triển bất động sản, khu công nghiệp, logistics, cửa khẩu…
"Dự án này không chỉ mang đến cho tỉnh Cao Bằng một con đường mà cả tầm nhìn chiến lược, về cách làm, biện pháp huy động vốn của mô hình đối tác công-tư (PPP), sẽ là giải pháp phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương còn nhiều khó khăn", ông Vũ Tiến Lộc nhìn nhận./.
Quang Toàn / bnews.vn
View: 770