Thành phố vững bước trên đường phát triển

73 năm sau ngày giải phóng, thành phố Cao Bằng không ngừng vươn dậy tạo nên vóc dáng của một đô thị hiện đại mang nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa. Đến với Thành phố hôm nay, mỗi người dân, bạn bè khắp nơi đều cảm nhận được sự đổi thay từng ngày. Nhiều dự án về hạ tầng, chỉnh trang đô thị, nhà ở, dịch vụ thương mại hiện đại, văn minh... được triển khai, mở ra không gian rộng lớn; đặc biệt, tuyến Phố đi bộ ven sông Bằng đưa vào sử dụng, tạo dựng thêm không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao, phát triển dịch vụ - du lịch, phục vụ nhân dân và du khách, mang lại diện mạo mới cho Thành phố. 

Thành phố Cao Bằng vững bước trên đường phát triển. 	 Ảnh: Thế Vĩnh

Thành phố Cao Bằng vững bước trên đường phát triển. Ảnh: Thế Vĩnh

Vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Từ xa xưa thành phố Cao Bằng luôn giữ vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh và cả vùng Đông Bắc. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta; năm 1886, chúng xâm chiếm Cao Bằng. Thị xã (nay là Thành phố) là nơi các cơ quan của chính quyền thực dân Pháp đóng để cai trị, bóc lột đàn áp nhân dân các dân tộc Cao Bằng. Mặc dù bị địch đàn áp dã man, phong trào chống thực dân Pháp của nhân dân Cao Bằng liên tục diễn ra với nhiều cuộc giao tranh giữa các nghĩa quân và địch. Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phong trào cách mạng trên cả nước ngày càng phát triển. Thực hiện chủ trương xây dựng Đảng ngày càng lớn mạnh để lãnh đạo phong trào cách mạng, sau khi Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh thành lập, tháng 7/1931, Chi bộ Gia Cung (nay thuộc phường Ngọc Xuân, Thành phố) được thành lập gồm 4 đồng chí, đồng chí Hồng Việt làm Bí thư. Chi bộ Gia Cung tích cực tuyên truyền giác ngộ quần chúng yêu nước, xây dựng cơ sở cách mạng vững chắc. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Thị xã luôn đi đầu trong phong trào cách mạng, trường kỳ kháng chiến, đặc biệt trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936 - 1939), phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ... diễn ra sôi nổi, nhân dân các dân tộc Thị xã góp phần quan trọng đưa được bản dân nguyện cho đại diện chính phủ Pháp (1937); phong trào cách mạng phát triển mạnh mẽ tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Năm 1946, khi thực dân Pháp quay lại xâm chiếm nước ta và chiếm đóng thị xã Cao Bằng, Đảng bộ và nhân dân Thị xã phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng lực lượng vững mạnh, quyết tâm đánh đuổi bọn giặc ngoại xâm. Năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên Cao Bằng trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Biên giới, đánh cứ điểm Đông Khê thắng lợi mở màn cho những thất bại liên tiếp của địch trên khắp các mặt trận Việt Bắc, Tây Bắc. Ngày 3/10/1950, quân Pháp phải rút chạy khỏi Cao Bằng trên tuyến quốc lộ 4 nối Cao Bằng - Lạng Sơn - Quảng Ninh... Thị xã Cao Bằng được giải phóng, chấm dứt hoàn toàn ách đô hộ của thực dân Pháp. Từ đây, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thị xã được củng cố, tập trung xây dựng, cải tạo phát triển kinh tế, chống lại các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, cùng với miền Bắc chi viện sức người, sức của cho miền Nam đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước. Đồng thời phát huy quyền tự do dân chủ, thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong thời kỳ đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Thị xã khắc phục khó khăn, thử thách, khai thác tiềm năng và lợi thế, bám sát định hướng quy hoạch phát triển của tỉnh, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra, tập trung xây dựng, phát triển Thị xã trở thành Thành phố, xứng đáng là đô thị trung tâm của tỉnh. Thị xã chuyển mình mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự bứt phá mới, phát triển toàn diện của tỉnh trong công cuộc đổi mới. 

Ngày 18/10/2010, Bộ Xây dựng có Quyết định số 926/QĐ-BXD về việc công nhận thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng là đô thị loại III. Ngày 25/9/2012, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP về thành lập thành phố Cao Bằng trực thuộc tỉnh Cao Bằng. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng. Phát huy truyền thống cách mạng của các thế hệ cha ông, Đảng bộ và nhân dân Thành phố chung sức, chung lòng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, mở rộng quy mô Thành phố, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. 

Sức vươn Thành phố trẻ 

Thành phố Cao Bằng hiện có 8 phường, 3 xã với diện tích trên 10.762 ha, dân số hơn 84 nghìn người. 73 năm sau ngày giải phóng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, Đảng bộ Thành phố đã và đang có nhiều sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, đưa Thành phố vươn tới những thành công mới, được minh chứng bằng sự phát triển nhanh chóng về quy mô và chất lượng, thể hiện niềm tin, trí tuệ của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Thành phố nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Diện mạo kiến trúc và cảnh quan đô thị thay đổi theo hướng hiện đại. Hạ tầng cơ sở xã hội, hạ tầng kỹ thuật đã và đang được đầu tư khá đồng bộ. Không gian sống đô thị ngày càng được nâng cao, công tác quy hoạch được xem trọng; vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp, hệ thống cây xanh, thoát nước, điện chiếu sáng được đầu tư đồng bộ, khang trang. 

Tuyến Phố đi bộ ven sông Bằng đưa vào sử dụng, tạo dựng thêm không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao, phát triển dịch vụ - du lịch, phục vụ nhân dân và du khách, mang lại diện mạo mới cho Thành phố. Ảnh T.V

Tuyến Phố đi bộ ven sông Bằng đưa vào sử dụng, tạo dựng thêm không gian sinh hoạt văn hóa, thể thao, phát triển dịch vụ - du lịch, phục vụ nhân dân và du khách, mang lại diện mạo mới cho Thành phố. Ảnh T.V

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ XIX, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVIII nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành phố quán triệt, triển khai với nhiều cách làm đổi mới, linh hoạt, sáng tạo. Chú trọng phát triển dịch vụ nông nghiệp, tái cơ cấu nông nghiệp - nông thôn theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện nông nghiệp thông minh; đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao như: dâu tây, dưa lưới, dưa lê, nho, nấm các loại, rau theo tiêu chuẩn VietGAP...; thực hiện hiệu quả mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị (chuỗi gạo nếp Pì pất, chăn nuôi gà ri lai an toàn sinh học). Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập trung triển khai nhằm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng đối với các tiêu chí xã nông thôn mới tại 3 xã, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao, tiến tới xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu ngân sách Nhà nước năm 2021 đạt 374,765 tỷ đồng; năm 2022, đạt 307,8 tỷ đồng; đến ngày 30/6/2023 thu 158,238 tỷ đồng. Việc thực hiện các dự án đầu tư được chỉ đạo thực hiện cơ bản đảm bảo tiến độ. Từ năm 2021 đến nay, các xã, phường đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu khu vực xã, phường. Nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3/11/2021 của Tỉnh ủy  về xây dựng thành phố Cao Bằng trở thành đô thị loại II giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 

Các hoạt động văn hóa, thể thao được quan tâm thực hiện, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, phát huy được tiềm năng và thế mạnh của Thành phố. Bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch; hoàn thành công trình Phố đi bộ ven sông Bằng cùng với Phố đi bộ Kim Đồng, tạo điểm nhấn về điểm thu hút khách du lịch. Chỉ đạo phát triển các sản phẩm du lịch như hàng hóa nông sản, đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm OCOP, đến nay, Thành phố có 32 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận. 

Kết quả xây dựng chính quyền điện tử đem lại những tín hiệu tích cực, chính quyền Thành phố và 100% chính quyền cơ sở xã/phường đạt mức độ 3 trở lên, đáp ứng nhu cầu khai thác và sử dụng của người dân và doanh nghiệp. Giáo dục và đào tạo luôn giữ vững là đơn vị đứng đầu của tỉnh. 100% xã, phường đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập THCS mức độ 3 đều đạt mức độ cao nhất. Công tác y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình, an sinh xã hội, giảm nghèo được thực hiện hiệu quả. Giải quyết kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công, các đối tượng xã hội trên địa bàn. Năm 2022, giải quyết việc làm mới cho 1.949 lao động. Quốc phòng - an ninh được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định. Hệ thống chính trị của Thành phố vững mạnh hơn, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp có sự chuyển biến rõ nét. Từ đầu nhiệm kỳ đến hết ngày 30/5/2023, kết nạp được 344 đảng viên mới. Năm 2022, 90% chi, đảng bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và 95% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. 

Biểu diễn văn nghệ tại

Chương trình biểu diễn nghệ thuật tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh (Thành phố).

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố đang tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Tập trung huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và mức sống của nhân dân…; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường quốc phòng địa phương. Xây dựng Thành phố phát triển toàn diện, bền vững, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh.        

Theo: Minh Trang - baocaobang.vn

View: 1986

scrolltop